Giảm đau ngoài màng cứng trong quá trình chuyển dạ
Thứ năm, Ngày 28 Tháng 03 Năm 2024

Giảm đau ngoài màng cứng trong quá trình chuyển dạ

Mặc dù sinh con là một quá trình bình thường và tự nhiên nhưng hầu hết các sản phụ đều cảm thấy rất đau. Nếu sản phụ hiểu được những điều sẽ diễn ra trong quá trình chuyển dạ và điều mình đang mong đợi, cùng với sự hỗ trợ của gia đình, bạn bè và các chuyên gia y tế thì cơn đau này sẽ giảm đi nhiều đáng kể. Các bài tập hít thở và kỹ thuật thư giãn như nghe các bản nhạc yêu thích thường rất hữu ích. Tuy nhiên, nhiều sản phụ vẫn cần sự hỗ trợ y khoa để kiểm soát cơn đau khi sinh con.

GIẢM ĐAU NGOÀI MÀNG CỨNG

Giảm đau ngoài màng cứng là phương pháp hiệu quả nhất giúp giảm đau trong quá trình chuyển dạ. Bác sĩ gây mê sẽ tiến hành tiêm thuốc gây tê vào khoang ngoài màng cứng trong phòng sinh để giúp sản phụ giảm đau. Sản phụ có thể cảm nhận được các cơn gò tử cung nhưng không còn cảm thấy đau.

Thông thường, phương pháp giảm đau ngoài màng cứng được thực hiện khi cổ tử cung đã mở 2-3 cm và sản phụ đang trong giai đoạn chuyển dạ tích cực.

Sản phụ sẽ được đặt một đường truyền tĩnh mạch trước khi làm giảm đau ngoài màng cứng. Khi thực hiện thủ thuật, một cây kim được đưa vào phần lưng phía dưới của sản phụ, thấp hơn đoạn tủy sống để tránh làm tổn thương tủy. Sản phụ cần ở tư thế cong lưng để giúp mở rộng cột sống và giữ yên tư thế trong suốt quá trình gây tê ngoài màng cứng. Thủ thuật này còn có thể thực hiện ở tư thế nằm nghiêng, nhưng sẽ dễ thực hiện hơn khi ngồi ở tư thế sát cạnh giường và đầu dựa vào vai người hỗ trợ. Vùng lưng phía dưới của sản phụ sẽ được sát khuẩn và chỉ một vùng nhỏ (kích thước bằng đồng xu) sẽ được gây tê tại chỗ. Kim gây tê ngoài màng cứng được đưa vào giữa hai đốt sống thắt lưng (vùng đã gây tê) và đi vào khoang ngoài màng cứng; một ống thông (là ống nhựa rỗng có kích thước bằng đầu bút) sẽ được luồn qua kim gây tê. Đôi khi, ống thông có thể chạm vào dây thần kinh trong quá trình luồn ống gây ra cảm giác điện giật nhẹ hoặc tê rần xuống một chân. Sau đó kim sẽ được rút ra cẩn thận và ống thông sẽ được dán cố định vào lưng bệnh nhân.

Một liều nhỏ thuốc gây tê tại chỗ (liều thử nghiệm) sẽ được truyền qua ống thông ngoài màng cứng, sản phụ được yêu cầu thông báo nếu có bất kỳ cảm giác nào khác lạ như chóng mặt, có vị kim loại bất thường trong miệng, cảm giác tê cứng đột ngột, hoặc hai chân trở nên nặng và yếu ớt. Huyết áp của bệnh nhân sẽ được kiểm tra thường xuyên vì huyết áp có thể bị giảm. Nếu vị trí gây tê ngoài màng cứng đã đạt yêu cầu và liều thử nghiệm đã an toàn, bác sĩ sẽ tiêm thêm liều bổ sung thuốc gây tê. Sản phụ sẽ bắt đầu cảm thấy cơn đau giảm đi trong khoảng 10-20 phút. Sau đó, thuốc gây tê sẽ được truyền qua ống thông ngoài màng cứng bằng cách tiêm lặp lại liều bổ sung (tác dụng của mỗi liều bổ sung sẽ kéo dài trong khoảng một giờ) hoặc truyền liên tục hoặc sử dụng máy PCA (sản phụ tự kiểm soát cơn đau) cho đến khi  sản phụ sinh em bé. Khi em bé đã chào đời, ống thông ngoài màng cứng được rút ra và hai chân của sản phụ sẽ bắt đầu có cảm giác như bình thường trong vòng 4-6 giờ.

Thủ thuật gây tê ngoài màng cứng ít gây ảnh hưởng đến thai nhi. Mẹ và bé sẽ được theo dõi liên tục trong suốt quá trình chuyển dạ khi áp dụng phương pháp gây tê ngoài màng cứng.

Vì lý do kỹ thuật hoặc giải phẫu học mà có thể xảy ra trường hợp đặt ống thông ngoài màng cứng không thành công hoặc thuốc gây tê đã tiêm không có hoặc có ít tác dụng. Tỷ lệ thất bại khi giảm đau ngoài màng cứng trong quá trình chuyển dạ khoảng 5%.

Nếu sinh mổ lấy thai thì có thể thực hiện dưới gây tê ngoài màng cứng (trừ trường hợp rất khẩn cấp). Thuốc tê với nồng độ cao hơn sẽ được tiêm vào khoang ngoài màng cứng qua ống thông đã được đặt sẵn.

TÁC DỤNG PHỤ

Tác dụng phụ thường gặp

Sản phụ sẽ cảm thấy chân trở nên nặng và/hoặc tê rần, và sẽ có thể gặp khó khăn khi vận động hoặc bí tiểu. Một ống thông có thể được đặt vào bàng quang để dẫn lưu nước tiểu. Nếu cần thiết, chúng tôi sẽ giúp sản phụ di chuyển. Huyết áp của sản phụ có thể giảm nên sẽ được kiểm tra và điều trị bằng thuốc hoặc dịch truyền khi cần thiết; đó là lý do tại sao sản phụ cần được truyền dịch trước khi gây tê ngoài màng cứng.

Các vấn đề có khả năng xảy ra

  • Lạnh run và ngứa,
  • Khó thực hiện kỹ thuật đặt ống thông ngoài màng cứng,
  • Gây tê không đủ, không đồng đều hoặc thất bại dẫn đến tình trạng giảm đau kém.

Đôi khi, cần phải thực hiện lại thủ thuật gây tê ngoài màng cứng.

Đau lưng

Các nghiên cứu gần đây chứng minh rằng so với sản phụ sanh thường thì gây tê ngoài màng cứng cũng không gây đau lưng hơn. Sản phụ phải ngồi cẩn thận sau khi gây tê ngoài màng cứng, vì việc ngồi sai tư thế có thể làm kéo căng các cơ lưng và cột sống gây ra tình trạng đau lưng.

 Các vấn đề khác

Các vấn đề này thường hiếm gặp.

Ống thông ngoài màng cứng có thể bị đặt sai vị trí. Khoảng 5% trường hợp ống thông đi vào mạch máu ở lưng. Tình trạng tiêm thuốc gây tê vào mạch máu tuy rất hiếm gặp nhưng có thể gây ra vấn đề. Nếu thuốc gây tê đi vào mạch máu, sản phụ sẽ cảm thấy tê rần xung quanh môi, nghe âm thanh lạ ở trong tai (ù tai) và cảm thấy vị kim loại bên trong lưỡi của mình. Nếu sản phụ gặp phải các tình trạng này, phải thông báo ngay cho bác sĩ gây mê hoặc nữ hộ sinh.

Khoảng 1-2% trường hợp tiêm thuốc tê vào trong dịch tủy sống (dịch não tủy). Tình trạng này thường gây đau đầu dữ dội và có thể cần điều trị chuyên sâu. Trường hợp tiêm vô tình một lượng lớn thuốc gây tê vào dịch não tủy tuy rất hiếm gặp nhưng sẽ gây ra các biến chứng do gây tê trên một vùng rộng lớn (thuốc gây tê lan tỏa trong dịch não tủy).

Một liều nhỏ thuốc gây tê (liều thử nghiệm) luôn được dùng để đảm bảo ống thông ngoài màng cứng được đặt đúng vị trí. Tổn thương dây thần kinh là một biến chứng ít gặp và thường là tạm thời. Tổn thương vĩnh viễn dây thần kinh là trường hợp rất hiếm gặp và phần lớn bệnh nhân sẽ hồi phục trong một khoảng thời gian từ vài ngày đến vài tuần. Tổn thương dây thần kinh có thể do tụ máu gần tủy sống và biến chứng này rất hiếm gặp (1/200,000).

Bác sĩ gây mê và nữ hộ sinh được đào tạo chuyên sâu để nhận biết các nguy cơ này nhằm phòng tránh hoặc xử lý các biến chứng. Mẹ và thai nhi sẽ được theo dõi liên tục trong suốt quá trình chuyển dạ.

Giảm đau và gây tê ngoài màng cứng là một quy trình phổ biến với mức độ an toàn và tỷ lệ bệnh nhân hài lòng rất cao.

Tin cũ hơn:


: BẢNG GIÁ DỊCH VỤ XÃ HỘI HOÁ
: BẢNG GIÁ DỊCH VỤ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH VÀ DANH MỤC KỸ THUẬT
: BẢNG GIÁ DỊCH VỤ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH BHYT VÀ DANH MỤC KỸ THUẬT
: NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ U NANG BUỒNG TRỨNG!
: CÁCH NHẬN BIẾT SỚM BỆNH VIÊM PHỔI Ở TRẺ NHỎ!
: HỘI NGHỊ SƠ KẾT GIỮA NHIỆM KỲ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TRUNG TÂM Y TẾ...